Ngành công nghiệp kem: Ngon nhưng chưa bền vững
Kem là một món ăn ngày càng phổ biến trên khắp thế giới và ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau những ly kem ngon lành, mát lạnh là những vấn đề về bền vững khiến chúng ta phải suy ngẫm, từ biến đổi khí hậu đến điều kiện lao động trong ngành sản xuất kem.
Đây là những nội dung được nêu ra trong báo cáo “ESG Summer Series – Kem: muốn ngon phải bền vững?”, do Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC phát hành.
Thị trường kem sẽ tăng thêm khoảng 40% trong 7 năm
Theo báo cáo, ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu. Thị trường kem có thể tăng từ 74 tỷ USD (2022) lên 105 tỷ USD vào năm 2029, theo Fortune Business Insights. Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng là mức tiêu thụ gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về hương vị đổi mới, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển.
Tuy nhiên, kem được cho là có tác động tới khí hậu nhiều hơn so với món ăn khác. Ví dụ như lượng phát thải từ quá trình sản xuất 1 kg kem vani cao cấp là 3,94 kg CO2e, gấp 1,8 lần tác động khí hậu khi sản xuất một lượng tương đương bánh cupcake và 2,2 lần của bánh quy phủ sô cô la.
Nhìn từ nguyên liệu thô, hoạt động chăn nuôi gia súc lấy sữa và nuôi trồng các nguyên liệu thô khác dùng để làm kem có liên quan đến một loạt tác động môi trường.
Chẳng hạn, việc sản xuất sữa ảnh hưởng đến khí hậu (ví dụ: khí mê-tan do bò thải ra); tiêu thụ nước (trồng thức ăn cho gia súc nuôi lấy sữa); sử dụng đất nông nghiệp (sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón để trồng thức ăn chăn nuôi); hiện tượng phú dưỡng nguồn nước (nước dư thừa chất dinh dưỡng do nitơ và phốt pho trong thức ăn chăn nuôi được bò hấp thụ ở mức độ hạn chế; ví dụ như phân của chúng có thể gây ra hiện tượng tảo nở hoa).
Việc sản xuất các nguyên liệu thô khác như ca cao, vani, hai nguyên liệu quan trọng trong ngành kem cũng gây ra những tác động tương tự với đất đai, nguồn nước. Chẳng hạn như trồng ca cao có thể gây ra phá rừng và mất đa dạng sinh học, sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón…
Vì vậy, HSBC khuyến cáo các nhà đầu tư có thể tạo ra sự khác biệt thông qua xem xét kỹ lưỡng các cam kết của các nhà bán lẻ trong việc giảm tác động môi trường của kem. Ví dụ, tác động khí hậu của sữa có thể được giảm bớt bằng cách điều chỉnh thức ăn cho bò để bớt tạo ra khí mê-tan. Tình trạng độc học sinh thái do canh tác ca cao có thể được giải quyết nhờ giảm sử dụng phân bón thông thường và/hoặc dùng các loại thay thế có nguồn gốc hữu cơ, cũng như giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng…
Đặc biệt, việc trồng cacao, vani cũng có liên quan đến nhiều vấn đề về bảo vệ người lao động như: việc sử dụng lao động trẻ em, điều kiện làm việc khắc nghiệt, điều kiện đời sống của người lao động ở những vùng sản xuất... Áp lực lên các nhà bán lẻ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ sẽ tiếp tục gia tăng, báo cáo nhận xét.
Tác động của kem tới biến đổi khí hậu |
Ngành kem cũng đối mặt với khó khăn từ biến đổi khí hậu
Với quá trình sản xuất, ảnh hưởng chính là do tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là do quá trình làm cứng và đông lạnh sâu. Chẳng hạn với mức tiêu thụ kem hàng năm ở Anh, tổng nhu cầu năng lượng cơ bản chiếm tới 3,8% mức tiêu thụ năng lượng của toàn bộ ngành thực phẩm. Theo quan điểm của HSBC, có thể giảm mức năng lượng của khâu sản xuất nhờ tối ưu hóa năng lượng và sử dụng nhiều nguồn năng lượng carbon thấp hơn.
Bên cạnh đó, HSBC cho rằng các nhà đầu tư nên xem xét ngành kem bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu và cách các công ty ứng phó với những thách thức này. Ví dụ, nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất sữa bò; trong điều kiện khí hậu nóng, bò có xu hướng ăn ít hơn và làm giảm sản lượng sữa. Thiếu nước do biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không nhỏ vì sản phẩm sữa là loại thực phẩm đứng thứ ba về tiêu thụ nước.
Các công ty kem hàng đầu đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro này. Ví dụ, Unilever đang áp dụng tiêu chuẩn của Liên minh Bảo tồn nước (Alliance for Water Stewardship - AWS) để tái chế và tái sử dụng nước trong nhà máy sản xuất kem của mình ở Türkiye.
Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng tác động đến quá trình sản xuất các nguyên liệu làm kem khác. Ví dụ, theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cây vani đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do nhiệt độ gia tăng vốn ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Tương tự, sản xuất ca cao toàn cầu đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, theo Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế, nhiệt độ gia tăng ở các nước nhiệt đới cận xích đạo có thể ảnh hưởng đáng kể đến điều kiện phù hợp để sản xuất ca cao của các quốc gia sản xuất ca cao chính trong những năm tới.