Ngành kem “hái ra tiền”, nhưng không được “lập lờ”
Kem là món ăn đang ngày càng phổ biến, nhưng các nhà đầu tư sản phẩm này cần nắm rõ những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, từ biến đổi khí hậu đến điều kiện lao động trong ngành này.
Kinh doanh “hái ra tiền” và sự phẫn nộ của người tiêu dùng
Không bất ngờ khi Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC vừa phát hành một báo cáo liên quan đến sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của ngành kem, bởi trên thế giới đã xuất hiện hàng loạt vụ kiện về dán nhãn không trung thực, bao bì có tính chất lừa dối và vấn đề nguyên liệu chế biến của ngành kinh doanh “hái ra tiền” này.
Điển hình là năm 2018, một tòa án nhận được đơn kiện đối với Ben & Jerry's, nhà sản xuất đồ tráng miệng đông lạnh hàng đầu của Mỹ. Đơn kiện nêu rõ, tuyên bố của công ty này về việc kem có nguồn gốc từ “những con bò hạnh phúc” là sai lệch. Cụ thể, trên thực tế, Công ty áp dụng quy trình sản xuất hàng loạt kiểu nhà máy cho các cơ sở sản xuất sản phẩm sữa của mình. Điều này không phù hợp với tuyên bố của Công ty về việc tuân theo các tiêu chuẩn cơ bản để trở thành một “nông trại chăn nuôi bò sữa có tâm”.
Ngoài ra, tòa án cũng nhận được một loạt đơn kiện, đặc biệt liên quan đến các cáo buộc quảng cáo, dán nhãn mác và bán kem có hương vị “vani” gây hiểu lầm, chủ yếu ở Mỹ. Minh chứng, kem Magnum của Unilever là đối tượng của một vụ kiện vào năm 2019. Trong đó, đơn kiện cho rằng, kem này có hương vị giả vani, mặc dù Công ty đã quảng cáo nó là hương vị “vani”.
Liên quan việc các nhà sản xuất kem truyền thông kem tốt cho sức khỏe, năm ngoái có một đơn kiện liên quan đến quảng cáo sai sự thật và có tính chất lừa dối về dòng sản phẩm kem “tốt cho sức khỏe” đã được nộp lên tòa án. Đối tượng bị kiện là Rebel Creamery, một công ty sản xuất kem ở Mỹ.
Đơn kiện cho rằng, sản phẩm này có chứa hàm lượng cao chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa không lành mạnh. Đơn kiện còn nêu rõ, Công ty đã dán nhãn mác sai cho sản phẩm là bổ dưỡng, với các tuyên bố và quảng cáo gây hiểu lầm, đồng thời lược bỏ thông tin liên quan thành phần chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong sản phẩm.
Những vụ kiện trên được cho là do cạnh tranh trong ngành kem ngày càng khốc liệt, chi phí nguyên liệu tăng cao và áp lực phải tung ra sản phẩm khác biệt, khiến nhiều trường hợp sản phẩm kem dán nhãn mác và bán hàng theo kiểu “lập lờ” xảy ra ở nhiều nơi.
Có thể nói, ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng là mức tiêu thụ gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về hương vị đổi mới, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển.
Tại thị trường Việt Nam, theo dữ liệu của Euromonitor, ngành kem được dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 5,5% về sản lượng tiêu thụ và 6,1% về giá trị trong giai đoạn 2022-2027.
Trong đó, KidoFoods thuộc Kido Group là doanh nghiệp sản xuất kem và thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam hiện nay. Riêng kem, KidoFoods dẫn đầu thị trường với thị phần lên đến 44% (theo
Euromonitor năm 2021), với hai thương hiệu nổi tiếng là Merino và Celano. Trong khi đó, các đối thủ khác có thị phần khá bé so với Kido, như Unilever chiếm 12%, Vinamilk chiếm 10%, Fanny chiếm 5%, Tràng Tiền chiếm 4%, Nestlé ở mức 3%.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm nay, Tập đoàn Kido đã “âm thầm” chia tách và bán phần lớn vốn tại mảng hàng lạnh (kem, sữa chua…). Cụ thể, vào cuối tháng 4/2023, Kido đã chuyển nhượng hơn 17,8 triệu cổ phần KDF của Công ty KidoFoods, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 73% xuống còn 49% vốn. Theo đó, KidoFoods hiện không còn là công ty con của Tập đoàn Kido.
Có thể nói, động thái của Kido phần nào phản ánh việc thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc cũng là động thái chính để Kido dự kiến tách bạch các mảng, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia. Mục đích là tập đoàn này muốn nhanh chóng đưa sản phẩm và thương hiệu “xuất ngoại”, thông qua bắt tay với đối tác ngoại. Đến nay, đối tác mua lại mảng kem vẫn chưa được công bố.
Hút nhà đầu tư gắn với phát triển bền vững
Ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu. Theo Fortune Business Insights, quy mô giá trị thị trường kem trên toàn cầu có thể tăng từ 74 tỷ USD (năm 2022) lên 105 tỷ USD vào năm 2029. Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng là mức tiêu thụ gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về hương vị đổi mới, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển.
Giới phân tích cho rằng, mức tiêu thụ sản phẩm kem lạnh gia tăng có thể khiến các bên liên quan chú trọng hơn đến những khía cạnh bền vững.
Trong báo cáo mới được Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC phát hành, kem được cho là có tác động tới khí hậu nhiều hơn so với các món ăn khác. Minh chứng, lượng phát thải từ quá trình sản xuất 1 kg kem vani cao cấp là 3,94 kg CO2, gấp 1,8 lần so với sản xuất một lượng tương đương bánh cupcake và gấp 2,2 lần so với sản xuất bánh quy phủ sô cô la.
“Các cam kết của các nhà bán lẻ trong việc giảm tác động khí hậu của kem sẽ chịu nhiều giám sát hơn”, báo cáo của HSBC nêu.
Trong đó, có 3 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tác động môi trường của kem, gồm nguyên liệu thô; sản xuất, bán lẻ và đóng gói; các vấn đề xã hội liên quan đến những hương vị kem phổ biến (vani và sô cô la).
Theo đó, mặc dù một số nhà sản xuất đại trà hiện nay sử dụng hương liệu vani nhân tạo (chiết xuất từ bột gỗ hoặc được tổng hợp từ các sản phẩm phụ trong ngành sản xuất giấy và hóa dầu), vani thật vẫn được dùng trong một số loại kem, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp.
Đây là loại gia vị đắt thứ hai trên thế giới (sau nghệ tây) do quy trình sản xuất phức tạp và tốn nhiều nhân công. Cây phong lan tạo ra hạt vani có nguồn gốc từ Mexico - nơi giống cây này được thụ phấn bởi những con ong Melipona ngoài tự nhiên. Vì không có nhiều ong ở các quốc gia sản xuất vani hàng đầu khác, nên mỗi bông hoa phải được thụ phấn bằng tay.
Các nhà đầu tư đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng cách tiếp cận của các nhà bán lẻ trong việc bảo vệ người lao động vì các phương tiện truyền thông và các tổ chức khác thường xuyên nêu lên vấn đề sử dụng lao động trẻ em và điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực sản xuất vani.
Madagascar là quốc gia sản xuất vani hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 80% nguồn cung toàn cầu. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, có khoảng 20.000 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi làm việc trong ngành sản xuất vani ở Madagascar, chiếm hơn 30% lực lượng lao động của ngành này.
Hiệp hội Lao động công bằng (Fair Labour Association) cũng nhấn mạnh, vani chủ yếu được sản xuất bởi khoảng 80.000 hộ nông dân nhỏ và thực tế là họ không được đào tạo về an toàn và sức khỏe (sử dụng công cụ sắc nhọn và bị bọ cạp cắn khi công nhân đào đất bằng tay), cũng như thiếu đồ bảo hộ cá nhân (găng tay).
“Áp lực lên các nhà sản xuất bán lẻ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ sẽ tiếp tục gia tăng”, các chuyên gia của HSBC nêu.
Trong khi đó, với nguyên liệu thô là ca cao, các nhà đầu tư có xu hướng ngày càng chú trọng phân tích tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thuộc ngành ca cao do điều kiện lao động trong ngành đang là một mối lo ngại. Hương vị sô cô la là một trong hai hương vị hàng đầu trên toàn cầu, chiếm gần 18% thị phần.
Theo Tổ chức Ca cao thế giới, khoảng 70% ca cao được sản xuất ở khu vực Tây Phi, chủ yếu là Ghana và Côte d'Ivoire. Nông dân sản xuất quy mô nhỏ là khởi nguồn của một chuỗi cung ứng phức tạp, phân mảnh, thường liên quan đến các điều kiện khắc nghiệt; khả năng tiếp cận nước, vệ sinh, dịch vụ y tế và giáo dục bị hạn chế.
Tác động từ quá trình sản xuất chủ yếu là do tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là do quá trình làm cứng và đông lạnh sâu. Với mức tiêu thụ kem hàng năm ở Anh, tổng nhu cầu năng lượng cơ bản chiếm tới 3,8% mức tiêu thụ năng lượng của toàn bộ ngành thực phẩm.
Nhóm nghiên cứu của HSBC cũng cho rằng, các nhà đầu tư nên biết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và bán sản phẩm kem. Đặc biệt, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc rằng, ngành này có thể không tồn tại mãi.
Chuyên gia HSBC khuyến cáo, các nhà đầu tư cũng nên xem xét ngành kem bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu và cách các công ty ứng phó với những thách thức này.
Ví dụ, nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất sữa bò. Trong điều kiện khí hậu nóng, bò có xu hướng ăn ít hơn, dẫn đến giảm sản lượng sữa. Thiếu nước do biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không nhỏ vì sản phẩm sữa là loại thực phẩm đứng thứ ba về tiêu thụ nước.
Các công ty kem hàng đầu đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro này. Unilever đang áp dụng tiêu chuẩn của Liên minh Bảo tồn nước (Alliance for Water Stewardship - AWS) để tái chế và tái sử dụng nước trong nhà máy sản xuất kem của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với những diễn biến trên, nhà đầu tư nên tiếp tục xem xét kỹ lưỡng cam kết của các công ty trong ngành kem. Đặc biệt, những cải tiến trong tương lai nên tập trung vào khâu nguyên liệu thô, đặc biệt là khâu sản xuất sữa thô, cũng như quy trình trồng vani và ca cao.
Ngoài ra, những yếu tố khác cũng có khả năng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới có thể rót vốn và nhà sản xuất ngành kem là giảm năng lượng trong giai đoạn làm lạnh, khắc phục rò rỉ ga lạnh, dán nhãn mác chính xác các thành phần, thực hiện quảng cáo trung thực và các tác động xã hội đối với người lao động trong chuỗi cung ứng.